Chị Nguyễn Thị Kim Liên ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, gia đình chị nuôi lợn khá lâu năm. Khoảng 5 năm trở về trước, việc chăn nuôi ổn định, thu nhập khá. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình vẫn thu về hơn 400 triệu đồng.
Nhờ vậy mà cuộc sống khấm khá, gia đình chị đã xây được nhà, mua được ôtô tải nhỏ. Thế nhưng, 4 năm nay do dịch bệnh, do giá lợn giảm và đáng kể nhất là giá thành TACN đắt đỏ đã khiến cho việc chăn nuôi của gia đình chị thua lỗ. "Nhiều hộ chăn nuôi khác cũng khốn đốn vì giá cả TACN”, chị Liên buồn rầu chia sẻ.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nước ta đứng thứ 7 trong tổng số 20 quốc gia sản xuất TACN lớn nhất thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy nước ta hằng năm vẫn phải chi khoảng 3 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu.
Người chăn nuôi điêu đứng vì giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi cao.
Mặc dù chăn nuôi lợn, gia cầm là hai mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp khó khăn, phải giảm đàn, thị trường TACN có sự tăng trưởng nóng, thừa về cung nhưng lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu trong những tháng đầu năm nay vẫn tăng mạnh.