Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2018, ngành đề ra nhiều mục tiêu gắn với tái cơ cấu ngành; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.
Cụ thể, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 3,8 – 4% so với năm 2017. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng trứng các loại khoảng 11,58 tỷ quả tăng 8,8%; sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn tăng 14,1%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1 triệu tấn tăng 7,8%…
Ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn, tăng 3,8%. Ảnh minh họa: Huỳnh Sử – TTXVN
Để đạt được mục tiêu trên, ngành chăn nuôi sẽ rà soát, đánh giá kết quả triển khai tái cơ cấu chăn nuôi tại 63 tỉnh/thành phố; chỉ đạo các địa phương xây dựng sản phẩm đặc hữu của từng vùng, từng địa phương; tổ chức hợp tác, liên kết để xây dựng thương hiệu, tạo thuận lợi tiêu thụ sản phẩm đầu ra; phát huy lợi thế giống bản địa (như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, gà Mía, gà Đông Tảo, gà Hồ, bò H’Mông…).
Bên cạnh đó, ngành xây dựng quy trình chăn nuôi hữu cơ, phát triển sản xuất theo chuỗi, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bênh và chăn nuôi theo VietGAHP… Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi.
Đồng thời, đẩy mạnh dự báo, thông tin thị trường; chủ động và tham mưu cho Bộ một số giải pháp khơi thông thị trường nhằm vào một số sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu như: thịt lợn, thịt gà, trứng vịt, sữa và các sản phẩm từ sữa… Chủ động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước gắn với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình thực hành tốt nhằm hướng tới xuất, nhập khẩu giống, sản phẩm chăn nuôi…
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2017, giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt trên 230.000 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 2010); tốc độ tăng trưởng ngành tăng 3,05% so với năm 2016.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa được thực thi có hiệu quả, chưa đi vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi ở các địa phương và các doanh nghiệp. Việc đầu tư phát triển chăn nuôi thiếu đồng bộ, khu vực chăn nuôi nông hộ mức đầu tư còn rất thấp.
Phần lớn các doanh nghiệp và người chăn nuôi chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, công đoạn dễ thu lời, như: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; trong khi con giống, giết mổ, chế biến còn nhiều bất cập.
Đặc biệt, công tác thị trường còn nhiều yếu kém; chế biến và giết mổ vẫn là khâu yếu. Việc quy hoạch không được chú trọng, môi trường chăn nuôi còn ô nhiễm chưa được xử lý và còn nhiều bất cập…/.
Tác giả: Thành Trung
Nguồn tin: TTXVN